20080925

KHÁI LƯỢC VỀ TRIẾT HỌC VÀ LỊCH SỬ TRIẾT HỌC

PHẦN I

KHÁI LƯỢC VỀ TRIẾT HỌC VÀ LỊCH SỬ TRIẾT HỌC

CHƯƠNG I

KHÁI LƯỢC VỀ TRIẾT HỌC

Mục tiêu:

Sau khi học xong chương này anh/chị sẽ hiểu được khái niệm về triết học, thế giới quan triết học, vấn đề cơ bản của triết học; phân biệt được các trường phái triết học, phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình, chức năng thế giới quan, chức năng phương pháp luận của triết học.

Anh/chị nên nghiên cứu và suy ngẫm các khái niệm như: thế giới quan triết học, chủ nghĩa duy vật (CNDV), chủ nghĩa duy vật biện chứng (CNDVBC), chủ nghĩa duy tâm (CNDT), chủ nghĩa duy tâm chủ quan (CNDTCQ), chủ nghĩa duy tâm khách quan (CNDTKQ), thuyết nhất nguyên, thuyết nhị nguyên, không thể biết, hoài nghi, phương pháp biện chứng, phương pháp siêu hình.

Nội dung:

I. TRIẾT HỌC LÀ GÌ?

1. Triết học và đối tượng của triết học

a. Khái niệm “Triết học”

Triết học ra đời khoảng thế kỷ VIII-VI trước Công nguyên, theo tiếng Hy Lạp cổ, triết học được ghép từ 2 từ “philos - tình yêu” và “sophia - sự thông thái”. Theo nghĩa đen, triết học là tình yêu đối với sự thông thái. Người Trung Quốc hiểu triết học là sự hiểu biết sâu sắc. Người Ấn Độ hiểu triết học (Dar’sana) là con đường suy ngẫm để đưa con người đến lẽ phải. Ngày nay triết học được hiểu là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới; về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy.

Triết học ra đời phải có 2 điều kiện, một là điều kiện xã hội, tức là lao động xã hội có sự phát triển, có sự phân công lao động xã hội, tách lao động trí óc khỏi lao động chân tay. Khi có đội ngũ lao động trí óc thì mới có điều kiện cho các nhà triết học ra đời. Hai là điều kiện về nhận thức, tức là tư duy của con người phải đạt đến một trình độ khái quát hoá, trừu tượng hoá nhất định. Nói khác đi, triết học ra đời từ thực tiễn; nó có nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội.

b. Đối tượng của triết học

Trong quá trình phát triển của mình, đối tượng triết học thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử.

Thời kỳ Hy Lạp cổ đại, triết học bao hàm trong nó tri thức về tất cả các lĩnh vực. Khi ấy, các khoa học chưa phân ngành rõ rệt. Vì vậy, đã có quan niệm sai lầm cho rằng, triết học là khoa học của các khoa học.

Thời kỳ trung cổ là thời kỳ thống trị của giáo hội Ki tô giáo triết học khi ấy có nhiệm vụ chứng minh cho sự tồn tại của chúa trời, của thượng đế. Nói khác đi, triết học là “bộ môn” của thần học. Triết học thời kỳ này chủ yếu là triết học kinh viện.

Thời kỳ phục hưng và cận đại, triết học gắn bó với khoa học tự nhiên, khoa học thực nghiệm. Đỉnh cao của nó là chủ nghĩa duy vật ở Anh, Pháp, Hà Lan. Chủ nghĩa duy vật thời kỳ này nhìn chung có tính siêu hình, máy móc và không triết để. Đêcáctơ coi triết học là methaphisica (siêu hình học) với nghĩa là nền tảng thế giới quan của con người.

Triết học cổ điển Đức lại có tham vọng coi triết học là khoa học của các khoa học. Điển hình cho tham vọng này là triết học của Hêghen.

Sự ra đời của triết học Mác đánh dấu sự đoạn tuyệt với quan niệm triết học là khoa học của các khoa học và tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ giữa vật chất và ý thức cũng như những quy lụât chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy.

2. Vấn đề cơ bản của triết học

Theo Ăngghen, vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Vấn đề này được gọi là vấn đề cơ bản của triết học bởi hai lẽ: thứ nhất, nó nảy sinh cùng với sự ra đời của triết học và tồn tại trong tất cả các trường phái triết học cho tới tận ngày nay; thứ hai, giải quyết vấn đề này là cơ sở để giải quyết tất cả các vấn đề triết học khác còn lại và là tiêu chuẩn để xác định lập trường, thế giới quan của các nhà triết học cũng như các học thuyết của họ.

Vấn đề cơ bản này có hai mặt. Mặt thứ nhất trả lời cho câu hỏi giữa vật chất và ý thức (tồn tại và tư duy), cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào? Mặt thứ hai trả lời cho câu hỏi: con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không? (ý thức có thể phản ánh được vật chất hay không?).

II. CHỨC NĂNG THẾ GIỚI QUAN CỦA TRIẾT HỌC

1. Triết học - hạt nhân lý luận của thế giới quan

Thế giới quan là toàn bộ những quan niệm của con người về thế giới và vị trí của con người trong thế giới. Trong thế giới quan có niềm tin và tri thức. Tri thức chỉ tham gia vào thế giới quan khi trở thành niềm tin định hướng cho con người trong hoạt động. Có ba loại thế giới quan:

Thế giới quan thần thoại chủ yếu là sự tưởng tượng hoang đường về thế giới. Trong thế giới quan thần thoại, các yếu tố như tri thức và tình cảm, lý trí và tín ngưỡng, hiện thực và tưởng tượng, cái hư ảo và cái thật hoà quện vào nhau.

Thế giới quan tôn giáo là sự phản ánh thế giới một cách hư ảo, niềm tin tôn giáo đóng vai trò quyết định; tín ngưỡng cao hơn lý trí; cái hư ảo lấn át cái thực.

Triết học phản ánh thế giới một cách chỉnh thể và thể hiện nó một cách có hệ thống dưới dạng lý luận, tức là diễn tả thế giới quan dưới dạng hệ thống các phạm trù, nguyên lý, quy luật. Nói cách khác, triết học là lý luận về thế giới, là hạt nhân lý luận của thế giới quan.

Triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan, nghĩa là hệ thống những quan điểm lý luận chung nhất về thế giới và vị trí của con người trong thế giới ấy. Trên cơ sở của thế giới quan triết học, thế giới quan sẽ được thể hiện thông qua quan điểm về kinh tế, chính trị, đạo đức, v.v.

2. Chủ nghĩa duy vật, chủ nghiã duy tâm và thuyết không thể biết

a. Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm

Cách giải quyết mặt thứ nhất vấn đề cơ bản của triết học đã chia các triết gia làm hai phái cơ bản. Những nhà triết học nào cho vật chất có trước ý thức, vật chất quyết định ý thức được gọi là các nhà duy vật. Chủ nghĩa duy vật (CNDV) đã trải qua các hình thức: CNDV ngây thơ, chất phác, trực quan cổ đại; CNDV siêu hình, máy móc thế kỷ XVII-XVIII và CNDV biện chứng do Mác và Ăngghen sáng lập vào những năm 40 của thế kỷ XIX.

Ngược lại, các nhà triết học nào cho ý thức có trước vật chất, quyết định vật chất được gọi là các nhà duy tâm. Trong các nhà duy tâm lại chia thành duy tâm chủ quan (cho ý thức, cảm giác ở trong đầu con người là có trước vật chất, quyết định vật chất), và chủ nghĩa duy tâm khách quan (cho ý niệm tuyệt đối, tinh thần thế giới hay lực lượng siêu tự nhiên nào đó ở ngoài con người là nguồn gốc của thế giới). Tuy có sự khác nhau về cái có trước, nhưng cả chủ nghĩa duy tâm chủ quan và chủ nghĩa duy tâm khách quan đều thống nhất với nhau ở chỗ coi ý thức, tinh thần là cái có trước, là cái sản sinh ra vật chất và quyết định vật chất.

Các nhà triết học nào cho rằng, chỉ có vật chất là nguồn gốc duy nhất của thế giới được gọi là các nhà nhất nguyên duy vật. Những nhà triết học cho rằng chỉ có ý thức là nguồn gốc duy nhất của thế giới được gọi là các nhà nhất nguyên duy tâm. Những nhà triết học nào cho vật chất và ý thức đều là hai nguồn gốc song song tồn tại, không cái nào có trước cái nào, đồng thời là nguồn gốc tạo nên thế giới được gọi là các nhà nhị nguyên.

b. Thuyết không thể biết

Cách giải quyết mặt thứ hai vấn đề cơ bản của triết học cũng chia các nhà triết học thành nhiều trường phái khác nhau. Những ai công nhận khả năng nhận thức thế giới của con người thì thuộc về phái có thể biết; những nhà triết học phủ nhận khả năng nhận thức thế giới của con người thì thuộc về phái không thể biết hay còn gọi là “bất khả tri”. Những ai nghi ngờ khả năng nhận thức của con người cũng như nghi ngờ sự tồn tại của bản thân sự vật thì thuộc về phái hoài nghi chủ nghĩa.

III. SIÊU HÌNH VÀ BIỆN CHỨNG

1. Sự đối lập giữa phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình
PHƯƠNG PHÁP SIÊU HÌNH
PHƯƠNG PHÁP BIỆN CHỨNG

Nhận thức sự vật ở trạng thái cô lập, tĩnh tại, không vận động, không biến đổi, không phát triển, không liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác. Các yếu tố trong cùng một sự vật cũng không liên hệ tác động lẫn nhau. Phương pháp này chỉ có tác dụng trong phạm vi hẹp.
Nhận thức sự vật trong sự vận động, biến đổi, phát triển, trong mối liện hệ với các sự vật, hiện tượng khác. Ngay trong bản thân sự vật cũng thấy sự liên hệ tác động giữa các yếu tố, bộ phận cấu thành sự vật. Như vậy, phương pháp biện chứng thể hiện tư duy mềm dẻo, linh hoạt.


2. Các giai đoạn phát triển cơ bản của phương pháp biện chứng

Phương pháp biện chứng đã trải qua 3 giai đoạn phát triển:

1/ Biện chứng tự phát thời cổ đại. Phương pháp biện chứng này còn ngây thơ, chất phác vì nó chưa có phạm trù, nguyên lý, quy luật. Mặc dù phương pháp biện chứng này đã thấy sự liên hệ, sự vận động, sự phát triển của sự vật nhưng chưa làm rõ, cái gì đang liên hệ cũng như những quy luật nội tại của sự vận động và phát triển, tại sao sự vật lại phát triển.

2/ Biện chứng duy tâm cổ điển Đức thế kỷ XVIII-XIX. Đỉnh cao của biện chứng duy tâm cổ điển Đức là biện chứng của Hêghen. Phương pháp biện chứng này đã đối lập với phương pháp siêu hình, nhưng lại dựa trên thế giới quan duy tâm, nên nó chưa thực sự trở thành khoa học.

3/ Biện chứng duy vật của Mác-Ăngghen. Phương pháp biện chứng này là kết quả Mác và Ăngghen kế thừa có chọn lọc những tinh hoa của các nhà triết học tiền bối, mà trực tiếp nhất là phép biện chứng của Hêghen trên cơ sở lọc bỏ tính chất duy tâm, thần bí của nó. Đồng thời, Mác và Ăngghen cũng kế thừa chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc, khắc phục tính siêu hình máy móc của nó và dựa trên những thành quả mới nhất của khoa học đương thời. Trong phương pháp biện chứng này có sự thống nhất giữa thế giới quan duy vật và phương pháp biện chứng.

3. Chức năng phương pháp luận của triết học

Triết học cung cấp cho con người một thế giới quan xác định, tức là một quan niệm nhất định về thế giới. Trên cơ sở quan niệm về thế giới này mà con người nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Phương pháp luận là lý luận về phương pháp; là hệ thống các quan điểm chỉ đạo việc tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng phương phương pháp. Phương pháp thường được chia thành phương pháp luận ngành; phương pháp luận chung và phương pháp luận chung nhất. Triết học thực hiện chức năng phương pháp luận chung nhất.

Vai trò phương pháp luận của triết học thể hiện ở chỗ nó cung cấp cho con người một số những nguyên tắc xuất phát chỉ đạo việc xác định phương pháp, khả năng áp dụng phương pháp hợp lý, hiệu quả nhất trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.



TÓM LƯỢC NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GHI NHỚ

Chúc mừng anh/chị đã hoàn thành chương I. Anh/chị đã nghiên cứu khái niệm về triết học và đối tượng của triết học. Vấn đề cơ bản của triết học là quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan - quan niệm của con người về thế giới và vị trí của con người trong thế giới đó. Anh/chị cần phân biệt được sự khác nhau giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, giữa biện chứng với siêu hình và nắm được quá trình phát triển của phép biện chứng. Với tư duy biện chứng, anh/chị sẽ có phương pháp luận lôgíc, vận dụng hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Chúc anh/chị thành công!



CÂU HỎI SUY LUẬN

Câu hỏi 1: Tìm nguyên nhân tại sao chủ nghĩa duy tâm là sai nhưng lại tồn tại đến tận ngày nay ?

Gợi ý: CNDT xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, Ví dụ: do nhận thức lạc hậu; do tâm lý (có thể lo sợ hoặc vui mừng quá); do lịch sử (chẳng hạn chúng ta sinh ra trong một gia đình mà ông bà, cha mẹ đã theo một tôn giáo nào đó nên chúng ta cũng sẽ theo tôn giáo đó, hoặc sinh ra trong một gia đình mà ông, bà, cha, mẹ không theo tôn giáo nào, chúng ta cũng sẽ không theo tôn giáo nào); do nguyên nhân xã hội (còn nhiều bất công, ngang trái, con người cảm thấy bất lực trước xã hội, chán chường, v.v). Vì vậy, CNDT chỉ mất đi khi tất cả các nguyên nhân của nó được khắc phục.

Câu hỏi 2: Phương pháp siêu hình có giá trị trong nghiên cứu khoa học hay không?

Gợi ý: Phương pháp siêu hình có giá trị nhất định trong nghiên cứu khoa học. Nhưng giá trị này chỉ ở giới hạn nhất định, trong từng ngành, từng lĩnh vực nghiên cứu nhất định. Nếu chúng ta tuyệt đối nó, đề cao nó quá mức sẽ là sai lầm. Cho nên luôn luôn phải quán triệt phương pháp biện chứng vào nhận thức và hoạt động thực tiễn.

1 nhận xét:

Unknown nói...

Xin cảm ơn tác giả, bài viết rất có ích.