20080925

NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN

PHẦN II

NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN

CHƯƠNG V

VẬT CHẤT VÀ Ý THỨC

Mục tiêu:

Sau khi học xong chương này anh/chị sẽ nắm được quan điểm của triết học Mác-Lênin về vật chất cùng những phương thức tồn tại của nó; nguồn gốc, bản chất của ý thức cũng như mối quan hệ giữa chúng; trên cơ sở đó, rút ra ý nghĩa phương pháp luận cho học tập và hoạt động thực tiễn của bản thân.

Nội dung:

I .VẬT CHẤT VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC TỒN TẠI CỦA VẬT CHẤT

1. Tính thống nhất vật chất của thế giới

Chủ nghĩa duy tâm cho thế giới thống nhất ở tinh thần, ý thức. Một số nhà duy vật siêu hình cho thế giới thống nhất ở tính vật lý. Triết học duy vật biện chứng cho thế giới thống nhất ở tính vật chất của nó. Điều này thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, chỉ có một thế giới duy nhất là thế giới vật chất. Ngoài thế giới vật chất này không có thế giới nào khác.

Thứ hai, thế giới vật chất tồn tại khách quan tự nó, có trước và độc lập với ý thức con người.

Thứ ba, mọi bộ phận của thế giới vật chất đều có mối liên hệ vật chất với nhau.

Thứ tư, mọi sự tồn tại cụ thể của thế giới vật chất đều có thuộc tính chung là thực tại khách quan không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Thế giới vật chất tồn tại vĩnh viễn, vô hạn và vô tận, không sinh ra, không mất đi, chỉ chuyển hoá lẫn nhau.

Thứ năm, ý thức tinh thần cũng chỉ là thuộc tính của bộ óc người - một dạng vật chất đặc biệt có tổ chức cao, do đó cũng bị chi phối bởi quy luật của thế giới vật chất.

Thứ sáu, thế giới vật chất có nguyên nhân tự nó. Đó là những mặt thống nhất và mâu thuẫn của bản thân thế giới vật chất quy định.

2. Vật chất

a. Lược khảo các quan điểm trước Mác về vật chất

Thời cổ đại các nhà duy vật đồng nhất vật chất nói chung với một dạng tồn tại cụ thể của nó như nước (Talét), lửa (Hêraclít), nguyên tử (Đêmôcrít), không khí, v.v. Quan niệm này duy vật nhưng trực quan, thô sơ, chất phác. Đỉnh cao của quan niệm duy vật thời cổ đại về vật chất là quan niệm của Đêmôcrít cho vật chất là những hạt nguyên tử (hạt vật chất) nhỏ nhất, không thể phân chia, luôn luôn vận động trong khoảng không trống rỗng. Quan niệm này chưa được chứng minh bằng khoa học chủ yếu là những phỏng đoán.

Thời kỳ phục hưng, cận đại các nhà duy vật đã đồng nhất vật chất nói chung với một thuộc tính của nó như trọng lượng, vận động, quảng tính. Quan niệm này duy vật nhưng siêu hình. Các nhà duy vật thời kỳ này vẫn kế thừa quan niệm cổ đại về nguyên tử. Nhưng lại tách rời nguyên tử với vận động, không gian và thời gian. Quan niệm này sẽ bế tắc khi những thành tựu mới của khoa học tự nhiên ra đời, ví dụ như khoa học chứng minh rằng nguyên tử không phải là hạt vật chất nhỏ nhất, hay chứng minh rằng hạt vật chất nhỏ không có trọng lượng, v.v.

b. Nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc của những quan điểm trước Mác về vật chất

Khi những phát minh khoa học tự nhiên bùng nổ đã làm cho quan niệm siêu hình về vật chất không có cơ sở tồn tại. Đó là phát hiện ra tia X (1895), phát hiện ra phiện tượng phóng xạ (1896), phát hiện ra điện tử (1897) và điện tử là một thành phần cấu tạo nên nguyên tử, v.v. Chủ nghĩa duy tâm đã lợi dụng tình huống này cho rằng, vật chất biến mất, vật chất tiêu tan. Thực ra, quan niệm siêu hình của con người về vật chất bị tiêu tan chứ không phải bản thân vật chất tiêu tan.

c. Quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về vật chất

Phải hiểu được định nghĩa của Lênin về phạm trù vật chất: Vật chất là phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan, được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác.

Qua định nghĩa về vật chất này của Lênin cần hiểu rõ:

- Thứ nhất, cần phân biệt vật chất với tư cách là một phạm trù triết học khác với phạm trù vật chất của các khoa học khác. Phạm trù triết học khái quát hơn phạm trù các khoa học khác. Ví dụ, trong mệnh đề “Nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân” thì chữ “vật chất” trong “đời sống vật chất” không phải là phạm trù vật chất của triết học mà Lênin định nghĩa.

- Thứ hai, phải hiểu “thực tại khách quan” là gì? Đó là tất cả những gì tồn tại thực sự ở bên ngoài con người không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Chẳng hạn trái đất, ngôi sao, điện tử, nước, lửa, không khí, ánh sáng v.v. Những cái này tồn tại thực và không phụ thuộc vào ý muốn của con người. Con người có tồn tại hay không tồn tại, có biết hay không biết chúng thì chúng vẫn tồn tại tự thân chúng.

Lưu ý, có những cái tồn tại thực nhưng lại phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người như tư tưởng tiểu tư sản, tình yêu, lòng căm thù v.v. Những cái đó không phải là vật chất vì nó phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Con người gạt bỏ những tư tưởng này thì không còn, con người giữ chúng thì chúng còn tồn tại trong ý thức của con người.

Cũng cần phân biệt thực tại khách quan với thực tế. Thực tế là tất cả những gì đã và đang tồn tại thực. Ví dụ, ngày 30/4/1975, quân và dân ta chiến thắng ở Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là một thực tế.

Như vậy, vật chất là phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan cho thấy, thực tại khách quan là tiêu chuẩn cần và đủ để phân biệt cái gì thuộc về vật chất. Điều này cũng nói lên rằng, vật chất có nhiều thuộc tính nhưng thuộc tính thực tại khách quan là thuộc tính cơ bản nhất, quan trọng nhất của vật chất. Ví dụ, quan hệ sản xuất, mặc dù chúng ta không nhìn thấy được, không đo được chúng, v.v nhưng vì chúng không phụ thuộc vào ý nuốn chủ quan của con người cho nên chúng thuộc quan hệ vật chất.

- Thứ ba, cụm từ “được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác” trong định nghĩa của Lênin có nghĩa là thực tại khách quan (vật chất) là có trước, cảm giác, ý thức của con người có sau và có thể phản ánh được thực tại khách quan (vật chất) qua bộ óc người. Điều này cũng chứng tỏ, vật chất không tồn tại trừu tượng đâu đó mà tồn tại qua các dạng cụ thể. Những dạng cụ thể này sẽ được cảm giác con người phản ánh. Điều này cũng có nghĩa là ý thức của con người có thể phản ánh được vật chất. Tức là, con người có thể nhận thức được vật chất.

Nắm được định nghĩa này của Lênin có ý nghĩa quan trọng giúp phân biệt vật chất với tư cách là phạm trù triết học với “vật chất” được hiểu trong ngôn ngữ đời thường đó là cơm, áo, gạo, tiền. Đồng thời phân biệt với các dạng tồn tại cụ thể của vật chất như cái bàn, cái ghế, v.v. Định nghĩa còn giúp chúng ta có được quan niệm đúng về vật chất trong lĩnh vực đời sống xã hội. Ví dụ, như trên chúng ta đã rõ, các quan hệ sản xuất thường được gọi là các quan hệ vật chất, mặc dù chúng ta không nhìn thấy các quan hệ sản xuất. Chúng là quan hệ vật chất vì chúng tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta, chỉ phụ thuộc vào chính chúng, vào các quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất.

3. Những phương thức tồn tại của vật chất

Phần này trả lời cho câu hỏi Vật chất tồn tại như thế nào, bằng phương thức gì? Theo triết học Mác-Lênin, vật chất tồn tại thông qua vận động, không gian và thời gian.

a. Vận động

Vận động hiểu theo nghĩa chung nhất tức là hiểu như một phương thức tồn tại của vật chất, là thuộc tính cố hữu của vật chất, thì bao gồm mọi sự thay đổi nói chung, mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy.

Ví dụ, sự dịch chuyển vị trí A sang vị trí B trong không gian; cái cây hướng ra phía có ánh sáng. Chúng ta nâng được trình độ Anh văn từ trình độ B lên trình độ C; sự suy nghĩ của con người, v.v đều được coi là vận động.

Vật chất tồn tại bằng cách vận động, nghĩa là thông qua vận động, vật chất biểu thị sự tồn tại của mình và chỉ thông qua vận động vật chất mới tồn tại được. Nghĩa là, không có vật chất không vận động.

Vận động của vật chất là tự thân, do nguồn gốc bên trong bản thân vật chất quy định. Vận động của vật chất không bao giờ mất đi, chỉ chuyển từ hình thức vận động này sang hình thức vận động khác. Ví dụ, ta ném cục đá vôi (đã nung) từ vị trí A đến vị trí B (vận động cơ học), nhưng ở vị trí B lại có nước (cục đá vôi đã nung sẽ chuyển sang vận động hoá học, v.v). Nghĩa là ở đây, cục đá vôi đã chuyển từ vận động cơ học sang vận động hoá học chứ nó không chấm dứt sự vận động.

Có 5 hình thức vận động cơ bản:

- Vận động cơ học là sự dịch chuyển vị trí của các vật thể trong không gian. Ví dụ, chuyển cái bàn từ vị trí A sang vị trí B trong phòng họp.

- Vận động vật lý là vận động của các phân tử, các hạt cơ bản, của điện tử, của các quá trình nhiệt, điện, v.v. Ví dụ, khi ta đun nước, khi nhiệt độ của ngọn lửa tăng lên thì nhiệt độ của bình nước cũng tăng dần lên.

- Vận động hoá học là vận động của các nguyên tử, các quá trình hoá hợp và phân giải các chất. Ví dụ, ta cho muối vào bình nước và lắc nhẹ, muối sẽ hoà tan dần trong nước.

- Vận động sinh học là vận động của sự trao đổi chất giữa cơ thể và môi trường. Ví dụ, khi ta hít thở không khí thì cơ thể ta thực hiện sự trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường.

Vận động xã hội là vận động của các hình thái kinh tế - xã hội. Ví dụ, sự chuyển từ hình thái kinh tế - xã hội phong kiến sang hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa.

Lưu ý:

- Các hình thức vận động trên khác nhau về chất, thể hiện ở trình độ của vận động. Mỗi trình độ của vận động tương ứng với một trình độ kết cấu vật chất nhất định.

- Các hình thức vận động cao xuất hiện trên cơ sở các hình thức vận động thấp, bao hàm trong nó tất cả các hình thức vận động thấp hơn. Các hình thức vận động thấp không có khả năng bao hàm các hình thức vận động cao hơn.

- Trong sự tồn tại của mình, mỗi sự vật có thể gắn liền với nhiều hình thức vận động khác nhau. Tuy nhiên, bản thân sự tồn tại của sự vật bao giờ cũng đặc trưng bởi một hình thức vận động cơ bản. Ví dụ, vận động cơ bản đặc trưng của các cơ thể sống là sự trao đổi chất giữa cơ thể và môi trường (vận động sinh học). Tất nhiên, cơ thể sống vẫn có các vận động khác, như vận động cơ học, vật lý, hoá học, v.v.

Vận động gắn liền với đứng im, đứng im là vận động trong thăng bằng, trong sự ổn định tương đối. Đứng im là tương đối vì 4 căn cứ sau:

- Đứng im chỉ xảy ra trong một hình thức vận động nhất định, (ví dụ, khi ta đứng im thì đó chỉ là đứng im trong vận động cơ học, còn vận động hoá học, sinh học trong cơ thể ta vẫn đang vận động);

- Đứng im chỉ xảy ra trong một thời gian xác định, (ví dụ, chúng ta chỉ có thể đứng im tạm thời không thể đứng im mãi mãi);

- Đứng im chỉ diễn ra trong một hệ quy chiếu cụ thể,(ví dụ, khi ta đứng im ở một tư thế nào đó là đứng im trong hệ quy chiếu với trái đất, nhưng đứng ngoài trái đất sẽ thấy ta cũng đang vận động vì trái đất luôn quay).

- Ngay trong trạng thái đứng im đó cũng có những nhân tố phá vỡ sự đứng im. Ví dụ, chúng ta đứng im trong hệ quy chiếu với trái đất nhưng chúng ta không thể đứng im mãi vì mỏi chân - phá vỡ sự đứng im tạm thời đó.

b. Không gian, thời gian

Không gian là hình thức tồn tại của vật chất xét về mặt quảng tính (tính 3 chiều: dài, rộng, cao), biểu hiện sự cùng tồn tại và tách biệt cũng như trật tự phân bố của các sự vật. Nói tới không gian của sự vật là nói tới cái này bên cạnh cái kia, cái này bên trên cái kia, v.v. Bất kể một khách thể vật chất nào cũng chiếm một vị trí nhất định, ở vào một khung cảnh nhất định trong sự tương quan với các khách thể khác. Đó chính là không gian của khách thể vật chất ấy. Do vậy, không gian là không gian của vật. Không có không gian ngoài vật chất. Ví dụ, không gian của cái bàn trong lớp học được thể hiện ở vị trí nào (bên phải cái gì, bên trái cái gì, cao bao nhiêu, dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu, v.v).

Thời gian là hình thức tồn tại của vật chất xét về mặt độ dài diễn biến, sự kế tiếp của các quá trình, biểu hiện trình tự xuất hiện, mất đi của sự vật (quá khứ, hiện tại, tương lai). Do vậy, thời gian cũng là thời gian của vật. Không có thời gian viết hoa thuần tuý tách rời khỏi sự vật. Thời gian là thời gian của một con người cụ thể, một đường phố cụ thể, một lớp học cụ thể v.v. Ví dụ, thời gian của một lớp học là từ ngày thành lập đến khi kết thúc lớp học.

Không gian và thời gian có các thuộc tính:

Không gian và thời gian có tính khách quan. Bởi lẽ, không gian và thời gian là thuộc tính của vật chất, gắn liền với nhau và gắn liền với vật chất. Vật chất tồn tại khách quan, do vậy, không gian và thời gian của vật chất cũng tồn tại khách quan.

Không gian và thời gian có tính vĩnh cửu và vô tận. Nghĩa là, không gian và thời gian không có tận cùng về một phía nào cả, xét cả về quá khứ lẫn tương lai, cả về phía trước lẫn phía sau, cả về bên trên và bên dưới, cả về bên phải lẫn bên trái. Tính vô tận của vật chất quy định tính vô cùng, vô tận của không gian và thời gian. Không có không gian, thời gian thuần tuý ngoài vật chất. Không gian, thời gian bao giờ cũng là không gian, thời gian của vật chất. Vật chất vô cùng, vô tận, vĩnh viễn do vậy, không gian và thời gian cũng vĩnh cửu và vô tận.

Không gian luôn có ba chiều (chiều dài, chiều rộng và chiều cao), còn thời gian chỉ có một chiều (từ quá khứ, hiện tại đến tương lai). Lưu ý, trong khoa học, người ta có khái niệm không gian (“n” chiều, n >3) đây là một trừu tượng khoa học dùng cho nghiên cứu, còn không gian thực của vật thể chỉ có 3 chiều.


II. NGUỒN GỐC, BẢN CHẤT, KẾT CẤU CỦA Ý THỨC

1. Nguồn gốc của ý thức

Ý thức có hai nguồn gốc: tự nhiên và xã hội

a. Nguồn gốc tự nhiên

Triết học duy vật biện chứng chỉ ra rằng, phản ánh là thuộc tính chung của mọi dạng vật chất. Đó là năng lực giữ lại và tái hiện lại của hệ thống vật chất này những đặc điểm của hệ thống vật chất khác khi 2 hệ thống vật chất đó tác động lẫn nhau. Kết quả phản ánh phụ thuộc vào cả vật tác động và vật nhận tác động. Vật nhận tác động sẽ mang thông tin của vật tác động. Ví dụ, cầm búa (vật tác động) tác động vào tấm gỗ (vật nhận tác động), tấm gỗ có thể bị lõm. Vết lõm trên tấm gỗ cho ta thông tin về cái búa.

Cùng với sự phát triển của thế giới vật chất, thuộc tính phản ánh của nó cũng phát triển từ thấp lên cao: phản ánh vật lý, phản ánh hoá học - hai dạng phản ánh này có tính chất thụ động, chưa có định hướng lựa chọn.

Phản ánh sinh học đặc trưng cho thế giới tự nhiên sống. Hình thức phản ánh sinh học cũng có những hình thức khác nhau như kích thích - tức là phản ứng trả lời tác động của môi trường bên ngoài đối với cơ thể sống; cảm ứng - đó là sự phản ứng thể hiện sự nhạy cảm đối với sự thay đổi của môi trường; phản ánh tâm lý động vật - là sự phản ánh có tính chất bản năng do nhu cầu trực tiếp của sinh lý cơ thể và do quy luật sinh học chi phối.

Phản ánh ý thức của con người - là hình thức phản ánh cao nhất chỉ có ở con người. Nó là thuộc tính của một dạng vật chất đặc biệt, có tổ chức cao là bộ óc người. Có thể nói, ý thức bắt nguồn từ thuộc tính của vật chất - thuộc tính phản ánh - phát triển thành. Đây là quá trình hết sức lâu dài.

Bộ óc người (có tới 14-15 tỉ tế bào thần kinh). Các tế bào thần kinh liên hệ với nhau và với các giác quan, tạo thành những mối liên hệ thu-nhận, điều khiển hoạt động của cơ thể con người với thế giới bên ngoài.

Chính bộ óc người (cơ quan phản ánh) và sự tác động của thế giới khách quan lên bộ óc người là nguồn gốc tự nhiên của ý thức.

b. Nguồn gốc xã hội

Theo triết học Mác-Lênin, lao động và ngôn ngữ là 2 nguồn gốc xã hội quyết định trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của ý thức.

Lao động là quá trình con người tác động vào giới tự nhiên nhằm tạo ra những sản phẩm phục vụ các nhu cầu của con người. Chính lao động đóng vai trò quyết định trong việc chuyển biến vượn người thành người, làm cho con người khác động vật. Động vật chỉ biết sử dụng những vật phẩm sẵn có trong tự nhiên, con người thông qua lao động chế tạo ra những sản phẩm không có sẵn trong tự nhiên để phục vụ cho nhu cầu của mình. Lao động giúp bộ óc phát triển. Hơn nữa, lao động ngay từ đầu đã mang tính tập thể xã hội. Vì vậy, từ lao động làm nảy sinh nhu cầu trao đổi kinh nghiệm, tư tưởng giữa con người với nhau. Trên cơ sở đó thúc đẩy sự ra đời của ngôn ngữ, thúc đẩy tư duy trừu tượng phát triển. Nhờ có ngôn ngữ mà ý thức tồn tại và phát triển. Bởi lẽ, ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu vật chất mang nội dung ý thức. Lao động giúp con người tác động vào sự vật làm cho sự vật bộc lộ thuộc tính, tính chất, quy luật. Những thuộc tính, tính chất, quy luật ấy tác động lên bộ óc con người. Trên cơ sở đó trong bộ óc của con người hình thành tri thức về các sự vật, hiện tượng ấy. Nói khác đi, thông qua lao động mà con người mới phản ánh được thế giới khách quan.

Như vậy, lao động và ngôn ngữ là 2 nguồn gốc xã hội trực tiếp quan trọng nhất quyết định sự ra đời, tồn tại, phát triển của ý thức con người.

2. Bản chất của ý thức

Các nhà triết học duy tâm tuyệt đối hoá vai trò của ý thức, cho ý thức là một thực thể độc lập tuyệt đối, quyết định vật chất chứ không phải là phản ánh vật chất. Các nhà duy vật siêu hình lại coi ý thức chỉ là sự phản ánh thụ động vật chất. Họ chưa thấy được tính năng động, sáng tạo của ý thức.

Theo triết học duy vật biện chứng, ý thức là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ óc người một cách tích cực, chủ động, sáng tạo trên cơ sở hoạt động thực tiễn. Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Ý thức là hình ảnh của sự vật được thực hiện ở trong óc người. Do vậy, ý thức không phải là hình ảnh vật lý hay hình ảnh tâm lý. Ví dụ, hình ảnh của con người trong gương khi soi gương không phải là ý thức mà là hình ảnh vật lý. Hình ảnh được phát trên vô tuyến cũng không phải là ý thức.

Tính sáng tạo của ý thức thể hiện rất đa dạng:

- Trên cơ sở những tri thức có trước ý thức của con người có thể tạo ra tri thức mới về sự vật;

- Con người có thể tưởng tượng ra cái không có trong thực tế;

- Con người trên cơ sở hiểu biết về sự vật có thể dự báo tương lai, khuynh hướng vận động của sự vật;

- Ý thức của con người có thể tạo ra những huyền thoại, ảo tưởng, v.v.

Quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc con người là quá trình năng động sáng tạo. Qúa trình năng động sáng tạo thống nhất ở ba mặt sau:

Thứ nhất, trao đổi thông tin giữa chủ thể phản ánh và đối tượng phản ánh. Sự trao đổi này có tính chất hai chiều và có chọn lọc, có định hướng.

Thứ hai, chủ thể mô hình hoá đối tượng phản ánh trong tư duy dưới dạng tinh thần. Đây là quá trình cải biến, sáng tạo lại hiện thực dưới dạng tinh thần, tư tưởng ở trong bộ óc con người.

Thứ ba, chủ thể thực hiện quá trình hiện thực hoá tư tưởng, vật chất hoá tinh thần, ý thức thông qua hoạt động thực tiễn của mình.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng, tính sáng tạo của ý thức là sáng tạo của sự phản ánh. Do vậy, ý thức xét đến cùng luôn bị quy định bởi vật chất. Sáng tạo và phản ánh là hai mặt của bản chất ý thức.

Ý thức là hiện tượng xã hội, vì sự ra đời tồn tại của nó gắn liền với hoạt động thực tiễn, chịu sự chi phối không chỉ quy luật sinh học mà cả quy luật xã hội. Ý thức luôn mang bản chất xã hội. “Con người” sống ngoài xã hội thì không thể trở thành người đích thực và cũng không thể có ý thức được.

3. Kết cấu của ý thức

Ý thức có kết cấu phức tạp. Người ta thường xem xét kết cấu ý thức theo các yếu tố hợp thành và theo chiêù sâu cuả nội tâm.

a. Theo các yếu tố hợp thành

Theo các yếu tố hợp thành, ý thức bao gồm nhiều yếu tố như tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí, tưởng tượng, v.v. Trong đó, tri thức là quan trọng nhất. Tri thức là sự hiểu biết. Tri thức có nhiều loại như tri thức về tự nhiên, về xã hội, về con người, v.v và có nhiều cấp độ khác nhau như tri thức kinh nghiệm, tri thức lý luận, tri thức thông thường, tri thức khoa học. Tri thức kinh nghiệm nảy sinh từ thực nghiệm khoa học hoặc do sự đúc rút các bài học kinh nghiệm trong hoạt động thường ngày của con người. Tri thức lý luận là kết quả tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, được khái quát hoá, trừu tượng hoá phản ánh được những mối liên hệ bản chất, tất yếu, mang tính quy luật của các sự vật hiện tượng. Tri thức thông thường được hình thành do hoạt động thường ngày của con người, mang tính chất cảm tính, trực quan, trực tiếp và còn rời rạc. Tri thức khoa học phản ánh trình độ nhận thức thế giới của con người. Ngày nay, khi nhân loại đang tiến tới nền kinh tế tri thức thì tri thức càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tình cảm là sự rung động của con người trong quan hệ với tự nhiên và với nhau cũng như với chính bản thân mình. Nó là hình thái đặc biệt của phản ánh, nó tham gia vào tất cả hoạt động của con người. Nó có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực tới hoạt động của con người.

Tri thức kết hợp với tình cảm hình thành nên niềm tin. Trên cơ sở niềm tin con người hoạt động có ý chí, quyết tâm hơn.

b . Theo chiều sâu cuả nội tâm

Theo chiều sâu của nội tâm người ta chia ý thức thành:

Tiềm thức là tri thức có được do phản ánh, thu nhận, tích luỹ trở thành “bản năng”, kỹ năng hết sức tiềm tàng;

Tự ý thức là sự tự nhận thức của chủ thể về bản thân mình;

Vô thức là hiện tượng tâm lý không do lý trí điều khiển như sự lỡ lời, nói nhịu, v.v. Vô thức cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Nhờ vô thức, con người tránh được sự “quá tải” trong cuộc sống, đỡ căng thẳng. Tuy nhiên, không được tuyệt đối hoá vô thức; bởi lẽ, vô thức là sự vô ý thức của con người có ý thức.

III. Ý NGHĨA PHƯƠNG PHÁP LUẬN CỦA MỐI QUAN HỆ GIỮA VẬT CHẤT VÀ Ý THỨC

Triết học Mác-Lênin khảng định:

Vật chất có trước, ý thức có sau. Vật chất tồn tại khách quan độc lập với ý thức, là nguồn gốc của ý thức. Óc người là cơ quan phản ánh để hình thành ý thức, không có bộ óc người thì không thể có ý thức.

Ý thức tồn tại phụ thuộc vào hoạt động thần kinh của bộ óc trong quá trình phản ánh thế giới khách quan. Do vậy, bộ óc có ảnh hưởng trực tiếp đến phản ánh có ý thức của con người.

Thế giới khách quan là nguồn gốc của phản ánh có ý thức, quyết định nội dung của ý thức.

Tuy nhiên, ý thức có thể tác động trở lại đối với vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người:

Ý thức có tính năng động sáng tạo, cho nên thông qua hoạt động thực tiễn của con người có thể tác động trở lại vật chất bằng cách thúc đẩy hoặc kìm hãm ở một mức độ nào đó các điều kiện vật chất, góp phần cải biến thế giới khách quan, các điều kiện khách quan.

Sự tác động trở lại của ý thức đối với vật chất dù đến đâu chăng nữa vẫn phụ thuộc vào các điều kiện vật chất. Cho nên, xét đến cùng, vật chất luôn quyết định ý thức.

Do vậy, từ quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức ta rút ra ý nghĩa phương pháp luận sau:

Thứ nhất, trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn phải tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tế khách quan, hành động tuân theo quy luật khách quan. Không được lấy ý muốn chủ quan thay cho điều kiện khách quan.

Thứ hai, phải thấy được vai trò tích cực của ý thức, tinh thần để sử dụng có hiệu quả các điều kiện vật chất hiện có. Nghĩa là, phải biết động viên tinh thần, phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của ý thức, tinh thần vượt khó vươn lên, v.v.

Thứ ba, tránh không rơi vào “chủ nghĩa khách quan” tức là tuyệt đối hoá điều kiện vật chất, ỷ lại, trông chờ vào điều kiện vật chất kiểu “Đại Lãn chờ sung”, không chịu cố gắng, không tích cực, chủ động vượt khó, vươn lên.

Thứ tư, cần chống lại bệnh chủ quan duy ý chí, tuyệt đối hoá vai trò của ý thức, của ý chí, cho rằng, ý chí, ý thức nói chung có thể thay được điều kiện khách quan, quyết định điều kiện khách quan.

Toàn bộ ý nghĩa phương pháp này cũng là những yêu cầu của nguyên tắc (quan điểm) khách quan. Vì vậy, chúng ta thấy, chính quan điểm của triết học Mác-Lênin về vật chất, ý thức về quan hệ giữa vật chất và ý thức là cơ sở lý luận của nguyên tắc (quan điểm) khách quan.

TÓM LƯỢC NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GHI NHỚ

Đây là một chương dài và rất quan trọng, anh/chị cần ghi nhớ:

1. Khái lược những quan niệm trước khi triết học Mác ra đời (cổ đại và thời kỳ cận đại) về vật chất;

2. Định nghĩa vật chất của Lênin (nội dung và ý nghĩa) tính thống nhất vật chất của thế giới theo quan điểm triết học Mác-Lênin;

3. Không gian thời gian, vận động (5 hình thức vận động và quan hệ giữa vận động với đứng im) là gì, tại sao chúng lại là phương thức tồn tại của vật chất;

4. Nguồn gốc (tự nhiên, xã hội), bản chất, kết cấu của ý thức;

5. Quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức, ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ mối quan hệ này, đặc biệt là nguyên tắc (quan điểm) khách quan.

CÂU HỎI SUY LUẬN

Câu hỏi 1: 8 giờ, 1 ngày, v.v có phải là thời gian không, tại sao?

Gợi ý: Không phải, 8 giờ, 1 ngày, v.v chỉ là đại lượng, con số, đơn vị mà con người dùng để đo thời gian. Vì vậy, con người sử dụng nhiều đại lượng khác nhau dùng để đo thời gian. Để trả lời câu hỏi xem lại phạm trù thời gian của triết học duy vật biện chứng.

Câu hỏi 2: Từ quan hệ giữa vật chất và ý thức phân tích bài học của Đảng ta: tôn trọng quy luật khách quan, hành động theo quy luật khách quan.

Gợi ý: Để trả lời câu hỏi này, xem quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức cùng ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ học bài vật chất ý thức; quan điểm khách quan ...

Câu hỏi 3: Câu nào trong định nghĩa vật chất của Lênin nói lên rằng, ý thức của con người có thể nhận thức được vật chất?

Gợi ý: Đọc kỹ định nghĩa và tìm xem có phải các câu “... được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, v.v”. Hãy suy nghĩ xem tại sao?

Câu hỏi 4: Hãy suy nghĩ xem tại sao quan hệ sản xuất lại là quan hệ mang tính vật chất? Căn cứ vào tiêu chí nào để chúng ta có thể khẳng định quan hệ sản xuất là quan hệ vật chất? (dựa vào định nghĩa vật chất của V.I.Lênin).

Không có nhận xét nào: